Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay sau khi lao dốc gần 2% vào phiên trước vì tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng, cùng với lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế thế giới.
Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,18% xuống 109,58 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 30/6. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 0,03% xuống 112,14 USD/thùng.
Giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/6) vì tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng, cùng với lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế thế giới lấn át lo ngại về sự thắt chặt của nguồn cung.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,35 USD/thùng xuống 112,45 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,98 USD (1,8%) xuống 109,78 USD.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của nước này đã giảm vào tuần trước ngay cả khi sản lượng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 trong đợt bùng phát đại dịch COVID đầu tiên.
Dự trữ nhiên liệu tăng khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động, hoạt động với 95% công suất, mức cao nhất ở thời điểm này trong năm trong vòng 4 năm qua.
Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết báo cáo của EIA đã tạo ra một tác động xấu cho thị trường. “Dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng lên làm giảm một chút áp lực và sự gia tăng trong sản xuất của Mỹ cũng dẫn đến sự sụt giảm về giá”, ông nói thêm.
Mức tăng hàng tồn kho bất ngờ đó đã khiến giá xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm lần lượt khoảng 3% và 4%.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ việc đồng USD tăng so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ lên mức cao nhất kể từ khi leo đỉnh 19 năm vào giữa tháng 6. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Dầu Brent và WTI đã tăng khoảng 7% trong ba phiên trước đó do lo ngại về nguồn cung thắt chặt, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Mặt khác nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không để nền kinh tế rơi vào chế độ lạm phát cao hơn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tăng lãi suất lên mức gây rủi ro cho tăng trưởng.
(Theo Reuters).